Chia Sẽ Kinh Nghiệm Về IT



Tìm Kiếm Với Google
-


Gởi Ðề Tài Mới  Gửi trả lời
 
Công Cụ Xếp Bài
Tuổi 02-08-2009, 10:22 PM   #1
hoctinhoc
Guest
 
Trả Lời: n/a
Phân tích-Thiết kế Hệ thống Thông tin
Phân tích-Thiết kế Hệ thống Thông tin
I. MÀO ĐẦU CHÚT ĐỈNH

So với đại đa số AE trong giới CNTT (tham gia diễn đàn NN hoặc không), tôi thuộc loại thất học. Tất cả mọi thứ đã và đang làm đều là nhờ các sếp ưu ái cho quậy chớ không có được miếng giấy Certificate nào vắt vai hết. Tuy vậy, tui cũng đã làm một số việc được sếp & khách hàng đánh giá tàm tạm.

Với mong muốn người VN ta chia sẻ cho nhau càng nhiều càng ít để mấy ông Tây ba lô đỡ đè đầu cưỡi cổ, tui mạnh dạn đưa ra một số kinh nghiệm và cách làm việc cá nhân trong lĩnh vực phân tích thiết kế hệ thống thông tin (tiếng E kêu là Information System Analysis & Design) để mọi người xài được gì thì xài và góp ý kiến. Đảm bảo là tự làm, tự nghĩ, không chôm chỉa của ông Tây nào . Mà tôi cũng chỉ nêu về mặt nguyên tắc thôi, cụ thể thì chắc không đủ sức.

Tuy chỉ toàn chữ & không có đủ nhiệt tình format cho dễ đọc, mong AE cố gắng đọc và ủng hộ nhiệt tình.

Vì kiến thức có hạn & thời gian cũng không nhiều, bài này của tôi không thể đầy đủ thông tin cũng như không thể đầy đủ những điều muốn nói - mong mọi người thông cảm.


II. HỆ THỐNG THÔNG TIN, PHÂN TÍCH VÀ THIẾT KẾ

Trước tiên, tôi xin trình bày quan điểm riêng về các khái niệm liên quan đến vấn đề này, bao gồm Hệ thống Thông tin, Phân tích và Thiết kế.

1. Hệ thống Thông tin
Trong công việc của tôi, hệ thống thông tin (HTTT) bao gồm toàn bộ các loại hệ thống lưu trữ, xử lý, truyền tải thông tin. Có nghĩa là liên quan đến hệ thống mạng và dịch vụ mạng; hệ thống máy chủ và các ứng dụng quản trị/xử lý dữ liệu; hệ thống lưu trữ (storage) DAS, NAS, SAN; hệ thống sao lưu (backup) / phục hồi (restore) dữ liệu.
2. Phân tích
Với tôi, đây là các công việc bao gồm từ tìm hiểu các yêu cầu mục tiêu của HTTT cần xây dựng (với nhiều nguồn khác nhau), phân loại và phân tích các yêu cầu đó, đến đối sánh những gì phân tích được với yêu cầu gốc. Ngoài ra, công việc phân tích còn bao gồm cả một nội dung rất quan trọng là phân rã các yêu cầu mục tiêu thành hệ thống các yêu cầu thành phần để chuẩn bị cho việc thiết kế.
3. Thiết kế
Đây là công đoạn xen kẽ với phân tích vì, thực ra, trong quá trình phân tích, phần nào các ý tưởng thiết kế cũng đã được hình thành. Mục tiêu của việc thiết kế là đưa ra một mô hình chung, các thành phần hệ thống, và mối liên hệ tương hỗ giữa các thành phần đó. Cái đích của việc thiết kế bao gồm mô hình tổng quát, danh mục các thành phần, bản mô tả chức năng tổng quát và chức năng của từng thành phần, đặc tính kỹ thuật của từng thành phần, bảng đối chiếu hệ thống đã thiết kế với yêu cầu mục tiêu, và các yêu cầu cần thiết bên ngoài để đưa HTTT vào hoạt động.
III. PHÂN TÍCH

1. Tập hợp yêu cầu
Một HTTT bao giờ cũng được xây dựng có mục đích (dĩ nhiên ). Các mục đích đó chính là các yêu cầu cần tập hợp.

Các yêu cầu ta có thể tập hợp được bao gồm nhiều loại: yêu cầu kỹ thuật, yêu cầu bán kỹ thuật, và yêu cầu phi kỹ thuật. Nếu một hệ thống chỉ có thuần túy yêu cầu kỹ thuật thì công việc nhàn hạ hơn nhiều. Các yêu cầu chỉ có phân nửa là kỹ thuật hoặc không có chút xíu kỹ thuật nào là loại yêu cầu mệt nhất.

Yêu cầu kỹ thuật là loại yêu cầu chỉ rõ ra các thành phần kỹ thuật của hệ thống (về chức năng, về thiết bị, hoặc cả hai). Yêu cầu bán kỹ thuật là yêu cầu theo kiểu có một chút chức năng, có một chút mong muốn từ người sử dụng. Yêu cầu phi kỹ thuật là yêu cầu thuần túy của người dùng cuối (end-user) và yêu cầu về mặt tài chánh của hệ thống.

Ta phải tập hợp tối đa các yêu cầu để đảm bảo hệ thống thiết kế ra đã cân nhắc đáp ứng nhiều nhất các yêu cầu đó. Tất nhiên là không hy vọng đáp ứng 100% các yêu cầu vì có nhiều yêu cầu có thể conflict nhau hoặc thuộc loại bất khả thi (theo nghĩa công nghệ chưa đáp ứng được hoặc theo nghĩa budget của phía đưa ra yêu cầu không đủ).
2. Phân loại
Có nhiều cách phân loại yêu cầu các nhau, tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố. Ngoài các loại yêu cầu phân chia theo hàm lượng kỹ thuật kể trên, một số trong các yếu tố cơ bản tôi thường để phân loại yêu cầu gồm:
  • Số lượng các yêu cầu: số lượng này phản ánh hai điều chính - độ phức tạp của hệ thống mục tiêu và sự cẩn trọng (và nhất quán) của phía yêu cầu. Nếu số lượng này nhỏ, việc phân loại có thể không cần làm quá chi tiết.
    >
  • Sự khác nhau của các đối tượng đưa ra yêu cầu: phản ánh khả năng (hoặc phương thức) lãnh đạo/tổ chức của phía đưa ra yêu cầu. Nếu yêu cầu được đưa ra từ nhiều đối tượng khác nhau, cho dù có nhiều điểm chung hay không, vẫn phải rất thận trọng trong việc phân tích thiết kế và đàm phán/thuyết phục để có được sự đồng thuận từ phía đưa ra yêu cầu.
    >
  • Sự khác nhau về mục tiêu của các yêu cầu: thể hiện độ phức tạp (phạm vi) của hệ thống mục tiêu và phản ánh trọng tâm cần thiết kế của hệ thống này. Nếu có rất nhiều mục tiêu khác nhau, hệ thống cần thiết kế hoặc sẽ rất lớn, hoặc sẽ rất khó để đáp ứng đồng đều. Khi đó, tự ta phải lựa ra mục tiêu nào là mục tiêu chính (kết hợp với quá trình thảo luận/đàm phán).
3. Đàm phán và thống nhất yêu cầu
Sau khi phân loại, ta phải thực hiện một khâu cực kỳ quan trọng trong việc phân tích yêu cầu là lập một bảng tập hợp yêu cầu theo sự phân loại đã thực hiện, trong đó nêu rõ trọng số (độ ưu tiên) của các yêu cầu.

Quá trình tập hợp, phân loại và lập bảng yêu cầu này sẽ phải thực hiện cùng với sự đàm phán với phía đưa ra yêu cầu. Mục tiêu của việc đàm phán này là làm rõ và chốt cố định danh mục các yêu cầu cần đáp ứng của hệ thống mục tiêu.
4. Phân tích yêu cầu
Sau khi đã chốt được danh mục và nội dung yêu cầu, cùng với nội dung cụ thể của từng yêu cầu, ta có thể bắt đầu công việc phân tích.

a. Chuyển đổi thành yêu cầu kỹ thuật
Với hàng loạt yêu cầu các loại, ta cần phải thực hiện việc chuyển đổi các yêu cầu bán kỹ thuật và phi kỹ thuật thành yêu cầu kỹ thuật. Việc chuyển đổi này được thực hiện căn cứ trên ý tưởng chắc chắn đã hình thành của hệ thống mục tiêu cần xây dựng. Quá trình chuyển đổi có thể đơn giản, mà cũng có thể rất phức tạp, phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm và kiến thức (độ rộng & sâu) của từng cá nhân trong các lĩnh vực liên quan đến hệ thống cần thiết kế.
b. Xây dựng lưu đồ luồng dữ liệu
Do là một hệ thống thông tin, chắc chắn phải có dữ liệu, và là dữ liệu sống (chớ không chết ). Một hệ thống có dữ liệu sống chắc chắn phải có các yếu tố liên quan như đầu vào, đầu ra, yêu cầu chất lượng, yêu cầu nội dung, các điểm kiểm tra, các điểm phân nhánh, các yêu cầu lọc lựa, v.v...

Căn cứ trên các yêu cầu kỹ thuật và các yếu tố liên quan tới dữ liệu kể trên, ta cần xây dựng lưu đồ luồng dữ liệu luân chuyển trong hệ thống và xác định các nút chức năng cần có trong sơ đồ đó. Các nút chức năng này cần phải được mô tả rõ ràng tương ứng với lưu đồ đã xây dựng.
c. Xây dựng sơ đồ khối chức năng
Từ lưu đồ luồng dữ liệu đã lập, với các nút chức năng chi tiết, ta sẽ thực hiện việc gom các nút chức năng này vào các khối. Việc gom khối này cũng được làm căn cứ trên ý tưởng về hệ thống mục tiêu và hiểu biết về công nghệ và năng lực kỹ thuật của các loại thành phần có thể có trong hệ thống mục tiêu đó. Sơ đồ khối chức năng này là cơ sở chính để thiết kế hệ thống thông tin mục tiêu.
d. Rà soát, đối chiếu sơ đồ khối chức năng với các yêu cầu
Đây là công việc cực kỳ quan trọng, đảm bảo khả năng đáp ứng yêu cầu cho hệ thống sẽ được thiết kế. Ta sẽ phải đưa giả thiết cho dữ liệu đầu vào, kiểm tra tác động của hệ thống lên dữ liệu đầu ra, kiểm tra các phương thức truy xuất dữ liệu nội hệ thống và từ ngoài hệ thống, v.v... Các phương thức và dữ liệu đầu ra này sẽ được đối chiếu với các yêu cầu đã thu thập và thống nhất với phía đưa ra yêu cầu kể trên.

Nếu có thiếu sót ở một phần nào đó, ta sẽ phải thực hiện chỉnh sửa lại từ bước (c), hoặc thậm chí là bước (b) nếu cần.
IV. THIẾT KẾ

Giai đoạn này được thực hiện dựa trên các dữ kiện Sơ đồ khối chức năng & Yêu cầu kỹ thuật (đã được chuyển đổi và tập hợp từ các yêu cầu gốc).

1. Xác định các thành phần hệ thống
Căn cứ trên Sơ đồ khối chức năng, kết hợp với kiến thức về các công nghệ khả dụng và năng lực kỹ thuật của các trang thiết bị và phần mềm hiện có trên thị trường (đối với ta), việc lựa chọn các thành phần kỹ thuật sẽ được thực hiện. Việc lựa chọn ở bước này sẽ được phản ánh bằng sơ đồ logic tổng thể của hệ thống với các thành phần và chức năng của chúng.

Sơ đồ logic tổng thể sẽ được đối chiếu với lưu đồ luồng dữ liệu đã đưa ra trong khâu phân tích về khả năng và tính năng quản lý luồng dữ liệu. Nếu có sai sót, việc lựa chọn các thành phần hệ thống sẽ được thực hiện lại.
2. Xác định từng thành phần hệ thống
Với sơ đồ logic liên kết các thành phần hệ thống, kết hợp với các đòi hỏi về mặt kỹ thuật (như tính sẵn sàng cao, khả năng mở rộng, khả năng chịu lỗi,...), ta sẽ xây dựng sơ đồ cụ thể cho từng thành phần hệ thống. Ví dụ như lưu trữ theo cơ chế nào (?); có thiết lập mô hình cluster không (?); sử dụng hệ điều hành, phần mềm hệ thống và các phần mềm ứng dụng nào (?);... sẽ được quyết định trong bước này.
3. Lập danh mục thiết bị và dự trù chi phí
Việc này được thực hiện một cách tương đối dễ dàng sau bước xác định từng thành phần hệ thống kể trên. (Trong thực tế, việc này không chỉ phụ thuộc khả năng của các trang thiết bị hiện có trên thế giới mà còn phụ thuộc vào việc ta có thể deal tốt nhất với hãng cung cấp nào).
4. Rà soát, hiệu chỉnh thiết kế
Như đã đề cập, có nhiều yêu cầu phi kỹ thuật hoặc bán kỹ thuật rất khó chuyển đổi thành yêu cầu kỹ thuật. Đặc biệt nhất trong số đó là các yêu cầu về mặt tài chánh.

Sau khi xác định danh mục thiết bị và dự trù chi phí, ta phải thực hiện cân đối với yêu cầu về mặt tài chánh cho hệ thống đã thiết kế. Độ ưu tiên của các yêu cầu đã tập hợp đóng vai trò quyết định trong chuyện gia giảm/sửa đổi các thành phần của hệ thống mục tiêu.

Ngoài ra, còn nhiều yếu tố khác (tồn tại hoặc phát sinh) sẽ ảnh hưởng đến việc điều chỉnh thiết kế. Khó có thể kể ra cụ thể các yếu tố này (kể cả đưa ví dụ), bởi vậy, tôi giả định là việc thiết kế tới đây đã hoàn tất .
V. ĐỆ TRÌNH, THUYẾT MINH VÀ BẢO VỆ THIẾT KẾ

Sau khi hoàn thành thiết kế, một công đoạn quyết định sự thành công của bản thiết kế là lập tài liệu thuyết minh và bảo vệ thiết kế. Đây là công đoạn đòi hỏi nhiều kinh nghiệm nhất, vì cần phải lường trước được nhiều nhất phản ứng của phía được yêu cầu đối với bản thiết kế.

Cũng như khi thi vấn đáp, một mẹo thường dùng là phần nào ta không nắm chắc thì trình bày trong tài liệu (hoặc slides) thiệt kỹ, phần nào nắm chắc thì để hơi lu để phía bên kia hỏi thì trả lời cho ngon .



Theo: StiltDreamer (nhatnghe.com)
  Trả lời ngay kèm theo trích dẫn này
Gửi trả lời


Công Cụ
Xếp Bài

Quyền Hạn Của Bạn
You may not post new threads
You may not post replies
You may not post attachments
You may not edit your posts

BB code is Mở
Hình Cảm xúc đang Mở
[IMG] đang Mở
Mã HTML đang Tắt




Bây giờ là 12:30 PM. Giờ GMT +7



Diễn đàn tin học QuantriNet
quantrinet.com | quantrimang.co.cc
Founded by Trương Văn Phương | Developed by QuantriNet's members.
Copyright ©2000 - 2024, Jelsoft Enterprises Ltd.